Thúc đẩy nhà giá rẻ phát triển cần có chính sách mạnh mẽ hơn

Việt Nam cần nhiều cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ tại Việt Nam đang rất lớn. Nhu cầu này hiện chủ yếu tập trung ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM với 2 đối tượng chính là người thu nhập thấp và công nhân lao động. Theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu m2 nhà ở dành cho nhóm khách hàng trên.

Từ năm 2009, Chính phủ đã triển khai chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp. Sau nhiều năm phát triển nhà ở xã hội tại đô thị, hiện có 86 dự án đã được xây dựng, 134 dự án đang triển khai. Về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, 100 dự án đã xây dựng, 72 dự án đang triển khai. Các dự án này góp phần giải quyết hàng trăm nghìn chỗ ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, con số này vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Ninh, nguyên nhân của sự hạn chế trên là do Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Trước hết, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra quá nhanh. Với 96 triệu dân, tốc độ đô thị hóa đạt 37,5%, việc lựa chọn quỹ đất ở các đô thị lớn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, khu vực trung tâm gần như không còn quỹ đất, trong khi các khu vực xa trung tâm lại chưa có kết nối hạ tầng.

Bên cạnh đó, bài toán về nguồn vốn vẫn luôn là vấn đề nan giải. Hiện nguồn vốn từ ngân sách chưa đáp ứng đủ việc phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Nguồn cung phân khúc này hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Ngoài ra, các vấn đề về chính sách vẫn chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển.

Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K Group cho rằng, Việt Nam cần một cơ chế để tất cả các bên đều có lợi khi tham gia vào thị trường. Theo ông Trân, người lao động khi đến các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM làm việc, họ có thể trả được chi phí về đời sống nhưng lại không chi trả được chi phí về giáo dục của con cái. Do đó, họ buộc phải sinh sống ở khu vực xa trung tâm. Vì thế, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cần gắn với các yếu tố xã hội. “Theo tôi, mỗi dự án nhà ở thương mại nên dành ra khoảng 10% để phát triển nhà cho những người thu nhập thấp”, ông Trân nhấn mạnh.