Brian Tyler – Ý tưởng, tầm nhìn âm nhạc trong những phim bom tấn

Brian Tyler – Ý tưởng, tầm nhìn âm nhạc trong những phim bom tấn

  • Post Author:
Brian Tyler là nhà soạn nhạc chuyên viết nhạc cho những bộ phim bom tấn, giúp chúng ghi lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả. Với hơn 70 tác phẩm nhạc phim thành công rực rỡ, Brian hiện đang nắm giữ trong tay rất nhiều giải thưởng cùng danh tiếng nổi như cồn. Các bộ phim và show truyền hình mà ông tham gia sáng tác nhạc đơn cử có thể nhắc đến gồm Iron Man 3, The Mummy, Thor: The Dark World, The Fate of the Furious, Hawaii Five-0, Rambo, xXx: Return of Xander Cage, Power RangersSleepy Hollow. Gần đây nhất, Brian cũng tham gia sáng tác cho Crazy Rich Asians của Jon M. Chu và cả Yellowstone của Taylor Sheridan nữa.

Nghe thử album Yellowstone soundtracks của Brian Tyler trên Spotify tại đây

Dưới đây là bài phỏng vấn Brian Tyler về ý tưởng cũng như tầm nhìn của ông khi tham gia sáng tác nhạc cho những thước phim bom tấn, giúp bạn đọc hiểu hơn về người nghệ sỹ tài năng và khiêm tốn này.

Ông lớn lên ở vùng Orange County, California. Gia đình ông có truyền thống âm nhạc không và tác phẩm nào đã có ảnh hưởng khiến ông quyết định chọn nghề này?

Gia đình tôi có truyền thống âm nhạc từ rất lâu. Ông tôi là nhà làm phim còn bà tôi là nghệ sỹ piano. Bản thân tôi tuy chọn nghề nhạc sỹ nhưng luôn có ảnh hưởng từ tầm nhìn nghệ thuật của ông bà mình. Trước đó tôi cũng đã từng thử qua các lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, hội họa hay 1 số mảng nghệ thuật hình ảnh khác, tuy nhiên cuối cùng cảm thấy yêu thích và chọn hướng sáng tác nhạc làm chủ đạo. Tôi cũng học rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, phần vì sở thích phần vì để phục vụ công việc của mình.

Đang tải tinhte-brian-tyler-1.jpg…

Tôi từ bé đã thích xem phim và đây cũng là điều làm tôi có hứng thú với mảng nhạc phim. Tôi thường cùng cha xem các bộ phim như Lawrence of Arabia, Vertigo hay North by Northwest, hoặc bộ ba phim Star Wars phần 6, 7 và 8. Tôi cực kỳ thích khi nghe các bản nhạc trong phim, tạo nên được sở thích với âm nhạc của mảng nghệ thuật này từ rất sớm. Tôi ngoài ra còn được tiếp cận với rất nhiều thể loại nhạc đa dạng từ lúc còn chơi trống, đa số là R&B, Jazz hay nhạc Motown Records từ cha tôi. Đó là lý do vì sao phong cách chơi piano của tôi nghiêng hơn về jazz, còn khi chơi trống thì lại có thiên hướng pha trộn giữa R&B và rock. Nói cách khác, điều này giống như 2 thế giới được hòa làm 1 vậy.

Phong cách chơi và sáng tác nhạc này đã có những ảnh hưởng nào đến sự nghiệp âm nhạc của ông?

Có thể nhận xét rằng tôi là người yêu thích tất cả các thể loại nhạc, và tôi đã sáng tác cũng như thu âm ít nhất 1 hoặc 2 tác phẩm ở hầu hết mọi thể loại. Tác phẩm đầu tiên tôi viết là 1 bản concerto, tuy nhiên đạt được thành công lớn lại là 1 bài hip-hop. Để làm được nghề này anh phải thực sự yêu nó, từ đó mới có thể truyền tải hết được các cảm xúc đến khán giả xem phim bằng âm nhạc. Nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau để có thể cảm nhận và sáng tác 1 cách linh hoạt hơn cho từng kiểu phim cũng là điều cần thiết.

Với vai trò là người sáng tác nhạc phim, tôi có thể thử nghiệm các kiểu mới để tạo ra sự độc đáo và hứng thú cho người xem. Ngược lại nếu là nghệ sỹ chơi nhạc, ít ai mạo hiểm làm điều này vì có thể khiến fan của mình không hài lòng. Tôi chọn nghề sáng tác nhạc phim chính là để tránh các giới hạn đó, cả từ nhu cầu công việc lẫn các giới hạn tự đặt ra cho bản thân. Đơn giản hơn thì tôi chỉ muốn thử những cái mới và không phải chịu bó buộc ở bất cứ khuôn khổ nào.

Về bộ phim Crazy Rich Asians dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Kevin Kwan, ông có thể bật mí về những trao đổi của mình với đạo diễn Jon M. Chu để chọn ra hướng sáng tác nhạc cho bộ phim này?

Khi chúng tôi còn đang bàn bạc thì lúc đó bộ phim còn chưa bắt đầu quay nữa. Tôi đã đọc quyển tiểu thuyết đó và cực kỳ thích nên đã đồng ý ngay khi Jon M. Chu muốn đưa nó lên màn ảnh rộng. Jon còn bảo rằng anh muốn làm bộ phim này dành cho tất cả mọi người, truyền tải 1 câu chuyện có thể được liên kết và cảm nhận bởi bất cứ ai. Dàn diễn viên toàn người châu Á là 1 điều cực kỳ khó thực hiện, tuy nhiên đến cuối cùng chúng tôi đã làm được, và đã thành công.

Đang tải tinhte-brian-tyler-2.jpg…

Bản thân tôi nhận xét câu chuyện của phim có tính đương đại cao nên đã chọn lối sáng tác theo phong cách đương đại cho nó. Tuy nhiên do các cảnh quay của Jon vừa có thiên hướng đương đại vừa pha trộn cả nét cổ điển nữa, vì thế tôi cố gắng biến chuyển âm nhạc của mình sao cho phù hợp nhất. Tác phẩm cuối cùng được tập hợp rất nhiều các tiếng nhạc cụ đàn dây, sáo trúc, đàn nhị và nhiều loại nhạc cụ khác của Trung Quốc. Mỗi người trong ban nhạc chơi cùng nhau, vừa giống 1 dàn hợp tấu orchestra mà lại vừa giống 1 ban nhạc jazz. Các yếu tố này hòa quyện với nhau thật tuyệt vời.

Ông có thể nói đôi chút về ý tưởng của Text Ting Swing không? Tiếng trống mở đầu nghe rất giống với phong cách của Gene Krupa.

Tôi vô cùng thích kiểu sáng tác với tiếng trống mở đầu. Điều này có thể bắt nguồn từ việc trống là nhạc cụ đầu tiên mà tôi chơi, vì thế tôi dành cho nó 1 tình cảm đặc biệt. Sau khoảng 16 nhịp, tôi bắt đầu chèn phần vibraphone vào nhằm mang đến cho tác phẩm sự ly kì của những bộ phim trinh thám hồi những năm ’50 hay ’60. Nhìn lại trong những năm ’60, nhạc phim đa phần đều là jazz, như Charade, The Pink Panther hay các bộ phim James Bond. Điều này không có nghĩa là nhạc pop không phù hợp, nhưng nó được nhiều người sử dụng quá rồi nên sẽ khó tạo được ấn tượng với khán giả. Nếu đi theo phong thái riêng của bộ phim, chúng ta sẽ có thể tìm thấy những xu hướng sáng tác mới mà vẫn giữ được cảm xúc phù hợp cho bộ phim đó.

Khi thực hiện dự án phim Crazy Rich Asians, ông đã học hỏi được điều gì từ văn hóa châu Á? Ông có cảm nhận gì khi tham gia bộ phim đầu tiên với dàn diễn viên toàn châu Á?

Đó là 1 niềm vinh dự to lớn, và đi kèm cùng trách nhiệm cũng nặng nề không kém. Thật ra thì tôi đã từng nhiều lần làm việc ở châu Á, tuy nhiên chưa có dự án phim nào có tầm cỡ lớn như vậy. Bản thân tôi cũng rất hứng thú với văn hóa châu Á nên đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và học chơi các nhạc cụ đặc trưng ở đây. Tôi còn có dịp làm việc cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Trung Quốc và nữ ca sỹ opera Gong Linna, làm show concert cho họ ở rất nhiều địa điểm trong đó có nhà hát Dolby Theater thường được dùng để tổ chức các lễ trao giải Oscar.

Tôi không nói được tiếng Hoa nhưng vẫn có thể giao tiếp dễ dàng với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Trung Quốc bằng 1 ngôn ngữ chung: đó là âm nhạc. Khi tôi chỉ đạo, họ làm theo rất nhanh và chính xác, cực kỳ tuyệt vời.

Đang tải tinhte-brian-tyler-3.jpg…

Nhân vật Rachel trong Crazy Rich Asians do Constance Wu thủ vai được truyền tải cực kỳ tốt, thể hiện được sự lạ lẫm và khó hòa nhập của 1 người khi tiếp xúc với nền văn hóa mới. Cô là 1 người Mỹ gốc Á, nhưng lại hoàn toàn “mù tịt” về văn hóa phương Đông. “Người ấy” của tôi cũng là người Nhật nên khi xem Crazy Rich Asians, đôi khi tôi cảm thấy sao mà đúng quá, y như lúc tôi lần đầu tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản vậy.

Có những đặc điểm nào đòi hỏi phải có trong nhạc phim của Crazy Rich Asians hay không?

Có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Tôi phải hòa trộn cả phong cách jazz, symphonic và classical vào với nhau, mà còn phải làm sao cho chúng phù hợp nhất nữa. Nếu là người làm nhạc, anh sẽ biết cách thể hiện các nốt nhạc jazz và symphonic-classical khác biệt như thế nào. Tôi phải cố gắng hết sức mới làm vừa lòng Jon M. Chu và tự bản thân cũng cảm thấy rất tự hào vì điều đó.

Ông thường đi theo 1 phong thái sáng tác chung hay thay đổi tùy theo từng tình huống và nhu cầu đòi hỏi?

Tôi thường viết nhạc theo 2 kiểu, 1 kiểu theo hướng ngẫu hứng và chú trọng vào thử nghiệm những phong cách mới, kiểu còn lại là khi các nốt nhạc tự nhiên “xuất hiện” trong đầu và tôi cứ thế sáng tác thôi. Những tác phẩm jazz thì hơi khó khăn hơn 1 chút trong giai đoạn tìm kiếm ý tưởng, Tôi mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện Text Ting Swing, AstridRainy Nights in London cùng nhiều tác phẩm khác có điểm xuyết chất jazz trong đó. Phần nhiều thì tôi vẫn sẽ sử dụng những gì mà mình nghĩ ra đầu tiên, do đôi khi thêm thắt nhiều quá hóa ra lại làm tác phẩm gốc mất đi sự tự nhiên của nó.

Yellowstone cũng là 1 câu chuyện cực kỳ cảm động về tình người và thực trạng xã hội. Vậy ông đã sử dụng chiến lược nào để đánh thức cảm xúc trong khán giả bằng các sáng tác âm nhạc của mình? Và điều này có mối liên hệ với câu chuyện trong phim ra sao?

Đây là 1 tác phẩm cực kỳ tuyệt vời được viết bởi Taylor Sheridan. Điều thu hút tôi đến với bộ phim chính là tuyến nhân vật rất đời thường, thể hiện được chính xác nội tâm cũng như cách giải quyết vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Những tình huống khiến nhân vật giận dữ cũng làm người xem giận dữ, khi họ khóc thì người xem cũng khóc theo. Yellowstone rất khác so với những dự án phim mà tôi từng tham gia trước đây.

Đang tải tinhte-brian-tyler-4.jpg…

Thường thì người biên soạn nhạc trong 1 dự án phim dài sẽ làm việc với tất cả các đạo diễn của bộ phim dài đó. Tuy vậy với Yellowstone, Taylor Sheridan đạo diễn cả 9 giờ của bộ phim nên tôi chỉ cần làm việc với 1 người mà thôi. Điều này giúp cho quá trình sáng tác được nhanh hơn và tôi không cần phải biên soạn nhiều bản thảo để hỏi ý kiến của từng đạo diễn. Các bài nhạc phim được Sony Classical đánh giá rất cao và phát hành thành album sau khi phim được công chiếu.

Ngay từ đầu Taylor đã khuyến khích tôi sáng tác nhạc sao cho phù hợp với biểu diễn sân khấu, hay nói cách khác là giống như 1 tác phẩm độc lập chứ không chỉ dừng lại như là 1 bài nhạc phim. Đôi khi do lịch trình khác nhau, tôi chỉ có thể tham khảo kịch bản và viết nhạc theo hướng cảm xúc của nó, sau đó ghép vào những cảnh quay mà Taylor đã thực hiện khi tôi không có mặt. Taylor là 1 thiên tài và tôi cảm thấy thật may mắn khi được làm việc cùng anh.

Tôi là 1 fan lâu năm của Formula 1 và vẫn luôn yêu thích khúc nhạc dạo đầu của nó. Cảm xúc nào đã giúp anh sáng tác ra nhạc phẩm này?

Bản thân tôi cũng là 1 fan lớn của Formula 1 nên đã cực kỳ vui mừng khi nhận được lời mời hợp tác sản xuất nhạc. Khi sáng tác, tôi cố gắng lựa chọn thể hiện các cảm xúc tươi mới và hào hứng, lột tả đầy đủ những cao trào xuất hiện trong xuyên suốt chương trình. Như đã nói trên, bản thân tôi cũng là 1 fan nên phần nào có thể hiểu được những gì mà người hâm mộ muốn có ở chương trình. Điều này giúp tôi thực hiện tốt vai trò của mình, và vui vẻ thực hiện nó như 1 món quà chứ không như là công việc phải làm. Tôi hoàn toàn không nói với họ rằng tôi là fan của Formula 1, và họ chẳng biết điều đó cho đến tận bây giờ.

Trái ngược với sự dễ dàng khi sáng tác nhạc phim cho Crazy Rich Asians, tôi mất khá nhiều thời gian đế tìm ra cảm hứng nhằm tạo ra được bản nhạc chủ đề phù hợp nhất với 1 show thể thao như Formula 1. Mình phải làm thế nào đây? Nắm bắt những cao trào như thế nào? Lồng ghép làm sao cho phù hợp? Sáng tác theo lối orchestra hay rock? Vân vân… Đó là những câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình khi thực hiện ca khúc chủ đề cho Formula 1. Sự thành công của tác phẩm cũng là 1 niềm tự hào to lớn đối với tôi. Mỗi tuần khi có cuộc đua là thanh thông báo mạng xã hội của tôi luôn ở trạng thái “đầy”. Mọi người yêu thích bản nhạc, tìm nghe nó, cover nó trên YouTube… thực sự làm tôi vui sướng.

Ngoài việc sáng tác nhạc phim ông còn chơi nhạc electronic dưới nghệ danh Madsonik. Xin ông hãy chia sẻ thêm về điều này.

Tôi yêu thích dòng nhạc electronic đã từ lâu và đã nghe qua rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng như Vangelis, Daniel Lanois, Tangerine Dream, John Carpenter và Allan Holdsworth, hay The Prodigy, Chemical Brothers, The Crystal Method cùng Fatboy Slim. Tôi cũng thích cả hip-hop, ví dụ như Public Enemy chẳng hạn. Các nhạc cụ điện tử luôn có 1 cái gì đó rất mê hoặc đối với tôi. Với metal, tôi yêu thích Rage Against the Machine và Nine Inch Nails hay các nhóm có phong cách tương tự như vậy.

Khi có được cơ hội hợp tác cùng Wiz Khalifa để viết nên ca khúc Shell Shocked, tôi cảm thấy mình không nên để tên thật vì sợ làm khán giả tưởng nhầm đây là ca khúc chủ đề của phim. Khi thu âm cùng Kill The Noise và Wiz, ca khúc được nhận xét là “mad sonic” và tôi đã dùng luôn từ đó làm nickname cho mình.

Đang tải tinhte-brian-tyler-5.jpg…

Shell Shocked thắng lớn với sự hợp tác của tôi, Wiz Khalifa, Juicy J, Kill the Noise và Ty Dolla $ign. Tôi viết và sản xuất ca khúc này cho bộ phim Teen Mutant Ninja Turtles để sử dụng trong phần credit cuối phim. Khác với mọi dự đoán của tôi là chỉ dùng để “nghe cho vui”, Shell Shocked đạt hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube. Tôi cũng được mời tham gia các tour diễn với nghệ danh Madsonik nữa, từ đó có thể gặp gỡ và giao lưu với các nghệ sỹ mà mình yêu thích. Điều này thật vô cùng tuyệt vời.

Ông dường như đã được sinh ra với niềm đam mê âm nhạc vô tận.

Điều này là hoàn toàn đúng. Khi nghe 1 bài hát nào đó, tôi thường tự phân tích xem nó đã được thực hiện như thế nào, ví dụ như làm thế nào mà Pink Floyd có thể đánh được như vậy, hay Nine Inch Nails, hay Rage Against The Machine, đại loại thế. Tôi phân tích kỹ từng âm trống, phím guitar, phím piano bằng đôi tai của mình. Tôi chưa từng học ở 1 trường âm nhạc nào cả mà chỉ bằng các phân tích đó mang lại những kinh nghiệm tốt nhất.

Nguồn popdisciple
Thảo luận thêm về chủ đề này?
Hỏi đáp Audio
Mời các anh em cùng thảo luận, hỏi đáp, đánh giá về các thiết bị âm thanh tại Cộng đồng Audio – tinhte.vn/audio
VAdaihiep, daohoangson, baamboobee3 người khác thích nội dung này.